Ðòn bẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn Vĩnh Thạnh 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và hơn hết là đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế

 

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Văn Lượm.

Huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống người dân. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 10.030 tỉ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, riêng 6 tháng đầu năm nay giá trị này ước đạt 5.438 tỉ đồng, đạt 60,42% kế hoạch. Trong đó, giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 1.720 tỉ đồng, giá trị thương mại - dịch vụ đạt 1.390 tỉ đồng, huyện có 3 xã được đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện giữ vững danh hiệu NTM từ năm 2018 đến nay. Đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội còn có hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong đó, phải kể đến là hệ thống tín dụng chính sách thuộc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, giúp người dân có điều kiện tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông Tạ Thanh Tuyến Tính, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, tổng dư nợ từ 10 chương trình tín dụng tại Phòng giao dịch đạt hơn 472,6 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn dành cho các chương trình phát triển kinh tế chiếm hơn 52%.  Thông qua việc ủy thác với các hội, đoàn thể đã giúp hơn 13.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn, đầu tư các mô hình sản xuất để tạo công ăn, việc làm, phát triển kinh tế gia đình”.

Anh Nguyễn Văn Lượm, ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ, trước đây thuộc diện hộ cận nghèo, vợ chồng anh vừa phải bươn chải mưu sinh vừa phải lo các con ăn học nên cuộc sống khá chật vật. Năm 2009 được tiếp cận nguồn vốn chính sách và áp dụng các mô hình chăn nuôi. Nhờ cần cù, chăm chỉ, linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất, từ đó kinh tế gia đình dần ổn định và vươn lên thoát nghèo, nhà cửa được sửa chữa tươm tất hơn, các con được đi học và ra trường có việc làm ổn định. Anh Nguyễn Văn Lượm nói: “Lúc đầu tôi vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò, sau chuyển sang nuôi dê, nhờ làm ăn hiệu quả nên hoàn trả vốn đúng hạn và được ngân hàng tiếp tục xét cho vay để mở rộng mô hình, từ đó kinh tế gia đình từng bước khấm khá”.

Hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, ngụ ấp Qui Lân 6, xã Thạnh Quới, trước đây cũng thuộc diện khó khăn do thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, với ý chí vượt khó, cộng với sự hỗ trợ từ chương trình tín dụng chính sách, gia đình bà được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, 2 người con của bà cũng được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên giúp việc học đến nơi đến chốn. Hiện nay các con của bà đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, cho biết: “Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã khá cao, bà con đa phần không có đất sản xuất và thiếu vốn. Nhờ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đã giúp hàng trăm lượt hộ có vốn áp dụng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ,... nâng cao đời sống, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế ở địa phương”.

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho trên 13.000 lượt hộ được tiếp cận đồng vốn một cách thuận lợi, kịp thời, qua đó, có hơn 9.500 hộ thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho gần 2.900 lao động. Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình cho học sinh, sinh viên khó khăn vay vốn học tập, đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 1.000 hộ được tiếp cận với tổng nguồn vốn hơn 43,4 tỉ đồng giúp trang trải chi phí, an tâm học tập. Hay chương trình vay vốn nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp hơn 9.000 hộ với số vốn trên 154 tỉ đồng để xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng NTM, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thật sự trở thành công cụ đòn bẩy, khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống tín dụng, không chỉ tạo sinh kế bền vững cho các đối tượng yếu thế mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở huyện ngoại thành Vĩnh Thạnh”.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/-on-bay-phat-trien-kinh-te-vung-nong-thon-vinh-thanh-a162054.html
  • :
  • :